Những sự cố thường xảy ra khi xây phần thô và cách khắc phục

Kiến thức xây thô
5:08 chiều

Trong quá trình xây nhà làm nhà thường xảy ra những sự cố không ai mong muốn và nó có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến công trình xây dựng, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của chủ nhà. Các chủ nhà gần tìm hiểu kĩ những sự cố này để có có biện pháp đề phòng, khắc phục hợp lý. Hạn chế tối đa các thiệt hại trong quá trình xây dựng nhà ở.

1. Sập nhà khi đang thi công

nhung-su-co-trong-qua-trinh-xay-dung-phan-tho-va-cach-khac-phuc

a) Nguyên nhân:

  • Kích thước móng, cột, dầm thiết kế cho nhà 2 tầng nhưng chủ nhà xây thành nhà 4 tầng mà không tính toán thay đổi kích thước móng, cột, dầm cho lớn hơn.
  • Do cây chống sàn quá nhỏ (thường dùng loại cây cừ tràm nhỏ và chống thưa)
  • Do cây chống nhỏ và chủ nhà nâng chiều dày sàn lớn hơn chiều dày thiết kế.
  • Do đặt thép sai vị trí tại kết cấu có dạng cong son.

b) Giải pháp:

Để tránh xảy ra sự cố không ai mong muốn này nhà thầu tư nhân nên thực hiện tốt các việc như sau:

  • Thuê kỹ sư xây dựng thiết kế phần kết cấu bê tông cốt thép (móng, cột, đà sàn …)
  • Có thể chọn nhà thầu thi công phần kết cấu riêng, phần hoàn thiện riêng (tùy theo điểm mạnh của nhà thầu)
  • Không được tự ý thay đổi phần kết cấu, hoặc qui mô công trình (nâng tầng, thay đổi kết cấu bê tông cốt thép) khi chưa được sự đồng ý của kỹ sư xây dựng.
  • Nên dùng những người biết chuyên môn để lựa chọn nhà thầu (người có chuyên môn phải biết đánh giá chất lượng thi công phần kết cấu và kiến trúc của từng nhà thầu ở các công trình trước) – lựa chọn đầu vào tốt.
  • Không nên dùng cây chống bằng gỗ như các nhà thầu đang dùng hiện nay vì kích thước cây chống nhỏ, hay cong vênh khi chịu ảnh hưởng của thời tiết (sàn hay bị sập, võng), nên dùng cây chống sắt để tránh hiện tượng trên.

2. Thầu bỏ chạy khi nhà xây dựng dở dang

a) Nguyên nhân:

  • Do lúc làm hợp đồng xây dựng không qui định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ nhà và chủ thầu, lúc xây dựng chủ nhà yêu cầu làm thêm, chủ thầu đòi tiền thêm xảy ra tranh chấp.
  • Trong hợp đồng không nêu rõ chủng loại vật tư để thi công phần kết cấu, ví dụ chủ thầu dùng vật liệu cây chống bằng cây cừ tràm, nhưng chủ nhà yêu cầu phải dùng cây chống thép.
  • Chủ nhà không có người giám sát từng bước khi thi công phần kế cấu để tuỳ cho nhà thầu làm, khi thi công được nhiều hạng mục rồi chủ nhà mới thấy chất lượng không tốt nhờ kiểm định can thiệp – chủ thầu bỏ chạy.

b) Giải pháp:

Biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tình trạng này chủ nhà cần làm tốt những điều sau:

  • Lựa chọn nhà thầu trước khi ký hợp đồng là việc quan trọng nhất (nhà thầu phải có tâm và tầm), muốn đạt được điều này chủ nhà cần làm những việc sau:
  • Nhờ người có chuyên môn về kết cấu xây dựng (tốt nhất là kỹ sư xây dựng) để xem xét và đánh giá chất lượng, tiến độ (nguồn nhân công, phỏng vấn cách thức thi công của nhà thầu, đến các chủ nhà do nhà thầu này xây dựng để phỏng vấn, …), chất lượng của các công trình trước của nhà thầu có qui mô gần tương đương với công trình chuẩn bị xây, đặc biệt là chất lượng thi công phần kết cấu.
  • Không nên giao cho nhà thầu đã thi công công trình nhỏ hơn công trình chuẩn bị xây (chuyên xây nhà cấp 4 thì thi công nhà 3 tầng khó có chất lượng tốt)
  • Không nên tạm ứng cho nhà thầu sau khi ký hợp đồng mà nên trả tiền sau khi xong từng hạng mục (để tránh trường hợp nhà thầu bỏ chạy, chủ nhà mất tiền)
  • Nhà thầu có tài sản đền bù khi sửa chữa lại (phải có địa chỉ và nhà cửa).
  • Sau khi đã chọn được nhà thầu thì việc lập hợp đồng rõ ràng là cần thiết (cần có phụ lục hợp đồng) là làm hợp đồng chặt chẽ, chi tiết. Cụ thể trong hợp đồng cần ghi rõ những gì chủ thầu phãi làm (như phần bê tông cốt thép, xây tô, điện nước, sơn nước, ốp lát gạch men …), những gì chủ thầu không làm (như lát nền gỗ, lắp cửa sổ, cửa ra vào, gắn máy nước nóng …). Tiến độ tạm ứng tiền theo công việc. Cần có phụ lục hợp đồng ghi rõ thiết bị để thi công (như máy trộn bê tông, cây chống thép, ván khuôn là ván ép dày 1,5cm …), Trách nhiệm của nhà thầu khi chất lượng không đạt yêu cầu.

3. Tuổi thọ công trình

Một công trình muốn có tuổi thọ cao đòi hỏi 4 nhà thầu (thiết kế, thi công, giám sát, bảo trì khi sử dụng) phải thực hiện công việc của mình với chất lượng cao.

Đây là 1 yêu cầu rất khó đạt được trong các công trình xây dựng nhà tư nhân. Phần đông chủ nhà không quan tâm nhiều đến chất lượng thi công phần kết cấu, do vậy các công trình thường có tuổi thọ thấp, chỉ sử dụng từ 10 đến 30 năm đã phải đập bỏ hoặc sửa chữa lớn. Trong khi đó những công trình làm phần kết cấu tốt có thể sử dụng từ 70 đến 100 năm.

a) Nguyên nhân:

  • Chủ nhà không biết do vậy không quan tâm đến tuổi thọ công trình.
  • Chủ nhà tự giám sát chất lượng thi công trong khi chưa biết nhiều về kiến thức công trình.
  • Chủ nhà chọn nhà thầu chủ yếu dựa vào cái đẹp bên ngoài mà không biết và không căn cứ vào chất lượng thi công phần kết cấu.
  • Rất ít các công ty tư vấn xây dựng chuyên về giám sát công trình hiện nay thực hiện việc giám sát nhà tư nhân (khối lượng nhỏ, khó làm), đồng thời một số chủ nhà thấy không cần thiết nên không thuê.
  • Thép gỉ mức độ nặng nhưng vẫn tiến hành đổ bê tông.
  • Lớp bảo vệ bê tông mỏng hoặc không có lớp bê tông bảo vệ cốt thép.
  • Thiết kế kết cấu không đạt yêu cầu..

b) Giải pháp:

Cần có người tư vấn giám sát giỏi và đơn vị thi công tốt.

4. Thấm sàn

a) Nguyên nhân:

  • Chủ nhà chưa thấy tầm quan trọng của việc chống thấm
  • Thiết kế hệ thống thoát nước chưa tốt
  • Thời gian bảo hành thấp (chỉ có 01 năm)
  • Không có nhà thầu chuyên nghiệp về chống thấm
  • Dùng loại vật liệu không phù hợp với thời tiết nóng ẩm tại Việt Nam

b) Giải pháp:

  • Tăng thời gian bảo hành việc chống thấm lên 05 năm (bảo hành các việc khác 01 năm)
  • Thiết kế sao cho nước thoát nhanh sau khi mưa và dễ sửa chữa khi xảy ra tình trạng thấm
  • Thử thấm trước khi lót gạch
  • Chọn nhà thầu chống thấm chuyên nghiệp.
  • Tại sân thượng hoặc các sàn tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời nên dùng loại vật liệu chống thấm gốc nhữa đường có độ co giãn tốt với thời tiết (dạng co giãn giống cao su)
  • Các phòng vệ sinh có thể dùng loại vật liệu gốc xi măng, vì nơi này không có độ co giãn vì nhiệt.

5. Nứt bê tông trong các cấu kiện sàn, tường

ung-su-co-trong-qua-trinh-xay-dung-phan-tho-va-cach-khac-phuc-2

a) Nguyên nhân:

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt bê tông, nhưng trong giai đoạn xây dựng hiện nay chúng tôi đã thống kê được một số nguyên nhân gây nứt bê tông chủ yếu như sau:

  • Bê tông có cường độ chịu nén cao (lớn hơn 300kg/cm2) dễ xảy ra hiện tượng nứt.
  • Nứt bê tông tập trung nhiều vào kết cấu sàn, tường bê tông có diện tích lớn.
  • Dùng lượng hóa chất đông cứng nhanh vượt quá định mức cho phép (thời gian tháo cốt pha càng nhanh thì khả năng nứt sàn càng cao)
  • Đổ bê tông lúc nhiệt độ ngoài trời cao.
  • Bảo dưỡng bê tông chưa tốt.

b) Giải pháp:

  • Không nên dùng loại bê tông có cường độ chịu nén cao trong các công trình nhà tư nhân, nên dùng loại có cường độ 200kg/cm2.
  • Hạn chế dung hóa chất đông cứng nhanh.
  • Nên đổ bê tông vào ban đêm, bảo dưỡng ngay khi bê tông mới đông cứng.
  • Cần có khe co giãn nhiệt khi cạnh sàn quá dài (cạnh dài không nên vược quá 40m)

Qua đây, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của phần thô trong xây dựng nhà ở và việc xem nhẹ phần thô, đặc biệt là sai xót trong khâu thi công và bảo dưỡng bê tông là vấn đề không hiếm trong thực tế. Có những ngôi nhà với vẻ bề ngoài thật mỹ mãn, chau chuốt nhưng ẩn sau bên trong đó là những dấu hiệu, những căn bệnh tiềm ẩn nằm sâu bên trong ngôi nhà.

0